Biotech - VET - Hơn 200 nghìn tấn thịt gà ồ ạt vào Việt Nam: Người chăn nuôi “khóc ròng”

Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Điều đáng nói, trong khi giá gà nuôi trong nước đang lao dốc do chăn nuôi dư thừa, thì gà nhập khẩu với giá rẻ như một đòn chí mạng nhấn giá gà nội giảm sâu, nhiều hộ chăn nuôi có nguy cơ mất Tết. 

Người chăn nuôi gà đang thua lỗ nặng nề

Theo Bộ NNPTNT, chưa bao giờ người chăn nuôi gặp khó khăn như năm nay, khi dịch tả lợn Châu Phi khiến 5,6 triệu con lợn bị bệnh phải tiêu hủy, nhiều hộ chăn nuôi gần như trắng tay. Không bị dịch bệnh hoành hành, nhưng ngành chăn nuôi gia cầm cũng đang gặp nhiều khó khăn khi giá gà chăn nuôi sau thời kỳ lao dốc còn 12.000-14.000 đồng/kg. Đến thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11.2019, dù đã tăng nhẹ, nhưng giá gà công nghiệp vẫn đang ở mức thấp khiến người nông dân hết sức lo lắng.

Thống kê cho thấy, trong các năm qua, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta phát triển khá mạnh, tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt gà các loại sản xuất trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 5,6%/năm, tính đến hết tháng 9.2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018 (chỉ riêng quý III/2019 đã tăng 19,2% so với quý III/2018). Đăc biệt, tại tỉnh Đồng Nai - địa phương chăn nuôi trọng điểm của cả nước, khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung đã chuyển sang chăn nuôi gà.

Tính đến hết tháng 9.2019, tổng đàn gà của riêng tỉnh Đồng Nai đạt hơn 24,8 triệu con, tăng 16,8% so với thời điểm tháng 4.2019. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, việc phát triển “nóng” ngành chăn nuôi gà tại khu vực này đã gây sức ép cho các hộ, các cơ sở chăn nuôi bán giảm giá để cắt lỗ, thu hồi vốn. Có thời điểm mỗi tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà. Đây là những nguyên nhân chính đẩy giá gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ giảm sâu trong thời gian tháng 8 - 9.2019.

Ồ ạt nhập khẩu thịt gà ngoại “làm khó” người chăn nuôi

Theo Bộ Công Thương, số liệu thống kê trong các tháng đầu năm 2019 cho thấy, so với năm 2018, có thể thấy lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4-6.2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay. Tuy nhiên, với số lượng thịt gà nhập khẩu lên tới 215,7 nghìn tấn và giá rẻ hơn, thì chắc chắn ảnh hưởng đến giá thịt gà trong nước. Hiện tại, giá thịt gà nhập khẩu bình quân chỉ khoảng 861USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...). Với mức giá này, giá gà chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh nổi.

BiotechVET - Người tiêu dùng thành phố thích sử dụng thịt gà công nghiệp nhập khẩu bởi giá rẻ

Thời điểm tháng 10.2019, giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông màu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ ở mức 22-25 nghìn đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giá đã tăng hơn nhiều so với thời điểm giữa tháng 9 năm 2019 (16.000-18.000 đồng/kg) - là giai đoạn các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ gây giá sụt giảm mạnh. Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt gà nuôi công nghiệp dao động từ 35.000-37.000 đồng/kg, thịt gà ta vẫn giữ mức giá ổn định, thậm chí nhiều nơi có mức giá tốt.

Theo một số hộ chăn nuôi gà tại Đồng Nai, với mức giá từ 35.000 đồng/kg, người chăn nuôi mới mong có lãi. Còn theo bà Nguyễn Thị Lý - hộ chăn nuôi gà tại huyện Đông Anh, với mức giá 35.000-37.000 đồng/kg, người chăn nuôi có nguy cơ bị thua lỗ bởi hầu hết các trang trại chăn nuôi gà công nghiệp tại miền Bắc có quy mô nhỏ hơn khu vực phía Nam, do đó giá thành chăn nuôi cũng cao hơn. Chưa kể, điều kiện khí hậu miền Bắc nóng ẩm, dịch bệnh cũng dễ phát sinh. Nếu xảy ra dịch bệnh, coi như năm nay chúng tôi mất Tết” - Bà Lý nói.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định: Việc nhập khẩu thịt gà trong thời gian qua có thể cũng tác động một phần nào nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá thịt gà tại Đông Nam Bộ. Dự kiến từ nay đến cuối năm, giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào.

Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục theo dõi sát tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc các loại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mô hình tập trung và hiện đại, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trong nước, đồng thời tiếp tục đàm phán với cơ quan hữu quan các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình giá tại thị trường trong nước đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt thịt các loại nhập khẩu, kịp thời có giải pháp phù hợp khi có những diễn biến bất thường về giá hoặc lượng tiêu thụ; đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, lưu thông nhằm phòng chống hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại phát sinh.

BiotechVET tổng hợp

Đăng nhận xét